Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp

28/07/2021 15:07:33 | Người đăng tin: dbthanh
Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển nền nông nghiệp tiên tiến.

      ĐÀO TẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

      Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, trường đầu tư trang trại với diện tích hơn 2ha, quy hoạch xây dựng khu nhà lưới 2000m2 và 2 ao cá nuôi trồng thủy sản, 1 trại chăn nuôi cho sinh viên thực tập và 1 khu thực nghiệm khoa học cây trồng. Trong trang trại, nhà trường hướng đến ứng dụng công nghệ cao như hệ thống tưới nhỏ giọt, mô hình thủy canh, chăn nuôi khép kín trên một chuỗi giá trị để sinh viên thực tập tại trường.

Hình 1. Mô hình Thủy canh trong khu trang trại ở Trường Đại học Kiên Giang

      Dàn rau cải xanh mơn mởn được trồng theo mô hình thủy canh trong khu trang trại Trường Đại học Kiên Giang là kết quả của chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Khoa Nông nghiệp và PTNT với Siêu thị Minimart Phú Cường. Theo anh Đỗ Thế Hào – chủ siêu thị Minimart Phú Cường, địa điểm trồng rau, được Khoa tích cực hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng. Khi khoa có nhu cầu đưa sinh viên đến trang trại thực tập, anh tạo điều kiện thuận lợi.

Hình 2. Giờ thực hành của sinh viên ngành Khoa học cây trồng tại nhà lưới

      Khoa Nông nghiệp và PTNT hiện có 247 sinh viên học 4 ngành, Công nghệ sinh học, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Thủy sản. Đến nay có 113 sinh viên ngành Công nghệ sinh học, 28 sinh viên ngành Thủy sản tốt nghiệp; trong đó, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Công nghệ sinh học đạt 77%. Tiến sĩ Dương Văn Nhã – Trưởng Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, nên chương trình đào tạo chú trọng cho sinh viên thực hành nhiều hơn. Khoa còn liên kết doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu đưa sinh viên đến thực tập để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề, làm quen môi trường làm việc. Thực tập tại doanh nghiệp là dịp để sinh viên thể hiện năng lực, tiếp cận nhiều với chủ doanh nghiệp, tứ đó có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp’’.

Hình 3. Lễ ký kết với Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang để sinh viên thực tập có lương tại doanh nghiệp này

      Khoa thường xuyên lấy ý kiến doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, sau đó, cụ thể hóa trên từng học phần đảm bảo kiến thức, kỹ năng thực hành, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Sau mỗi đợt thực tập tại doanh nghiệp, Khoa lấy ý kiến doanh nghiệp để có hướng điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo hàng năm phù hợp hơn.

      THỰC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI

     Khoa Nông nghiệp và PTNT tăng cường ký kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho sinh viên học tập nghiệp vụ, thực tập tại doanh nghiệp. Ngoài cơ quan; doanh nghiệp trong nước, sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc tại nước ngoài. Năm 2017, Khoa ký kết với Công ty cổ phần xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel dành cho sinh viên khối ngành nông – lâm nghiệp. Theo đó, sinh viên các ngành Khoa học cây trồng, Công nghệ sinh học, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi được đăng ký thực tập tại Israel 11 tháng. Trước khi đưa sinh viên đi thực tập, trường tìm hiểu kỹ nơi tiếp nhận sinh viên về môi trường sống, học tập, làm việc, mức thu nhập để đảm bảo tốt nhất quyền lợi sinh viên.

Hình 4. Sinh viên ngành Công nghệ sinh học thực tập tại Israel

     Em Vũ Thị Cẩm Tú – sinh viên năm thứ 4, ngành Công nghệ sinh học được trường đưa đi Israel thực tập. Sau chuyến đi, Tú tự tin hơn, khả năng tiếng Anh được cải thiện tốt, vốn sống phong phú hơn vì được tiếp xúc nền văn hóa mới, quen nhiều bạn, sông tự lập hơn… Cẩm Tú chia sẻ “Thích môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài cùng sự tự tin về kiến thức, kỹ năng, vốn tiếng Anh tích lũy được sau chuyến đi Israel, em đăng ký đi Đan Mạch thực tập để học tập phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước Châu Âu tiên tiến”.

Hình 5. Cẩm Tú chia sẻ trải nghiệm về thực tập ở nước ngoài của bản thân

     Hiệu quả từ việc kết nối đưa sinh viên đi thực tập nước ngoài của Khoa có sức lan tỏa, tạo luồng gió mới làm thay đổi, nhận thức của sinh viên, phụ huynh về thực tập và làm việc ở nước ngoài. Thầy Dương Văn Nhã cho biết: “Quá trình thực tập, ngoài được học các môn chuyên ngành từ giảng viên ở trường Đại học nước sở tại, sinh viên được làm việc và được trả lương, nhiều sinh viên có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, mức thu nhập hấp dẫn không phải là điều quan trọng mà cốt yếu là sinh viên được học tập kiến thức, giao lưu, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công việc và rèn luyện tự tin trong cuộc sống. Hoàn thành thực tập, các em được cấp chứng chỉ, đây là ưu thế quan trọng của các em khi đăng ký tuyển dụng sau tốt nghiệp”.

Hình 6. Sinh viên Khoa đạt giải Ba và giải Nhì trong cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp cấp Trường và lọt vào top 20 ở cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia

     Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, thời gian tới, trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó nổi bật là khu trang trại để sinh viên thực tập theo quy trình khép kín, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trước khi thực tập tại doanh nghiệp.

Nguồn: Tham khảo từ Báo Kiên Giang, số 5437 – Thứ Năm, 22/07/2021.